Kính thưa các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh thân mến!
Từ xa xưa, các thế hệ người Việt luôn coi trọng việc học, coi đó là nền tảng cho mọi thành công. Truyền thống quý báu đó đã được hình thành, hun đúc và phát triển trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục, tự học và học tập suốt đời là một luận điểm quan trọng và xuyên suốt. Người đã từng nói: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”.
Bác Hồ kính yêu của chúng ta là tấm gương sáng ngời về sự học. Người đã từng tự học, vừa lao động để kiếm sống, biết và sử dụng thông thạo nhiều ngoại ngữ mà không qua một con đường đào tạo chính quy nào. Chính từ sự học đó mà Bác đã dẫn dắt dân tộc Việt Nam vượt qua mọi khó khăn gian khổ, bão táp mưa giông đến bến bờ vinh quang.
Ðảng ta cũng xác định: "Giáo dục và Ðào tạo cùng với khoa học, công nghệ là quốc sách hàng đầu". Sự nghiệp giáo dục đã phát triển mạnh mẽ, ý thức học tập suốt đời đã dần thấm sâu vào từng dòng họ, từng gia đình, mọi tầng lớp nhân dân.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, Giáo dục và Đào tạo vừa là quyền cơ bản của con người, vừa là chìa khóa của sự phát triển bền vững, hòa bình, ổn định, tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Học tập là một nhu cầu cấp bách đối với mỗi cá nhân để có thể thích nghi với những thay đổi nhanh chóng và khẳng định giá trị nhân văn trong một thế giới toàn cầu hóa. Mục tiêu và cũng là giải pháp mang tính thời đại của mọi nền giáo dục trên thế giới là xây dựng xã hội học tập, tạo cơ hội học tập suốt đời cho mọi người dân. Học tập để cùng chung sống, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sông cho cộng đồng và cho toàn xã hội.
Vì vậy, để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng đất nước Việt Nam "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" thì phải tiếp tục phát triển giáo dục. Ðiều đó đòi hỏi các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và mọi người dân cần quán triệt chủ trương của Ðảng và Nhà nước về "Xây dựng xã hội học tập, bảo đảm cho mọi công dân có cơ hội bình đẳng trong học tập, đào tạo"; đầu tư thích đáng cho Giáo dục và Ðào tạo, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về xã hội học tập và học tập suốt đời, phổ biến và nhân rộng các điển hình tiên tiến về tinh thần xây dựng xã hội học tập.
Tổ chức tốt tuần lễ học tập suốt đời với chủ đề “Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” góp phần thức đẩy phong trào thi đua hai tốt trong nhà trường .
Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời là dịp tiếp tục tôn vinh, gìn giữ và phát huy truyền thống hiếu học quý báu của dân tộc Việt Nam. Học tập suốt đời. Đó là một xã hội mà mỗi cá nhân luôn tích cực chứ không thụ động. Hơn nữa, học tập suốt đời cũng giúp người khác gắn kết, gần nhau hơn, cũng là nguồn vui, giúp mỗi người cảm thấy hoàn thiện bản thân mình.
Như ta đã biết chúng ta khi mới lớn lên, học đọc, học viết, học tính toán... là nhờ Thầy, Cô giáo hướng dẫn là chính. Nhưng khi học các kiến thức cao hơn, rộng hơn, chuyên ngành hơn, lúc ấy
ta phải tự đọc sách, nên sách là thầy, là người hướng dẫn ta đến tri thức của nhân loại. Khi ta đọc truyện cười ta thấy vui, đọc những câu chuyện "Hạt giống tâm hồn" ta thấy xúc động, đọc
đến các mảnh đời bất hạnh ta thấy xót xa... Khi ấy sách là bạn cùng ta chia sẻ các cảm xúc của cuộc sống. Ta đọc một cuốn sách hay và muốn đem chia sẻ với mọi người. Khi ta mua được cuốn sách quý và muốn lưu lại cho con cháu, lúc ấy sách là tài sản. Sách là nơi ghi lại, lưu trữ những điều hiểu biết của con người và ở đó cũng chính là nơi chia sẻ những thông tin, những suy nghĩ giữa con người với con người. Ngoài việc học ở ngoài đời, thực tế, từ mọi người xung quanh, sách là người bạn không thể thiếu của con người. Nó là nguồn tri thức vô giá mà mỗi chúng ta có thể tự tìm tòi trong suốt cuộc đời của mình và cũng là nguồn kiến thức vô tận của nhân loại. Khi đọc sách bạn sẽ có cảm giác như mình đang được dẫn vào thế giới thực, từ đó bạn thấy, hiểu và bắt gặp nhiều điều bổ ích. Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời năm nay được tổ chức rộng với chủ đề “ Phát triển văn hóa đọc thúc đẩy học tập suốt đời” không chỉ nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người dân về học tập suốt đời, góp phần xây dựng xã hội học tập tại địa phương mà còn đồng thời nâng cao năng lực cung ứng giáo dục của các cơ sở giáo dục và các thiết chế giáo dục ngoài nhà trường trong việc đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân, góp phần tăng cường các nguồn lực hỗ trợ tổ chức các hoạt động xây dựng xã hội học tập.
Trong ngày hôm nay, tôi chính thức phát động Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời nhằm nâng cao dân trí, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội... chung tay xây dựng xã hội học tập để cao chất lượng giáo dục của nhà trường nói riêng của xã Hưng Long nói chung, nâng cao trình độ dân trí của xã nhà để góp phần xây dựng quê hương Hưng Long ngày càng giàu đẹp.
Xin trân trọng cảm ơn
|
Hưng Long, ngày 01 tháng 10 năm 2024
CBTV
Phạm Thị Hiến
|